CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HÔI ĐỒNG GIA TỘC
HỌ NGUYỄN THÁI BẠT
TỘC ƯỚC
HỌ NGUYỄN THÁI BẠT
CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU
ĐIỀU 1: Sự cần thiết có Tộc ước họ Nguyễn Thái Bạt:
-Tộc ước họ Nguyễn Thái Bạt không phải là bộ luật, mà chỉ là những quy ước đơn giản, mang đày ý nghĩa tình cảm họ hàng. Do vậy tộc ước không có những chế tài mà chỉ là những nhắc nhở tế nhị, nhằm thức tỉnh lương tâm con người hãy sống làm việc vì gia đình, dòng họ và xã hội.
-Dòng Họ Nguyễn Thái Bạt, hậu duệ ngày nay mỗi khi nhắc đến Đức Thủy Tộc, lòng không khỏi bùi ngùi, tiếc thương, thầm cảm phục tinh thần kiên trung của bậc Danh Nho trung thần, đã tử tiết vì nghĩa cả, thấy chính sự triều đình rối ren dốc lòng phù Vua cứu nước cứu dân, không ý mưu toan vụ lợi cá nhân. “Văn đức hạnh, tiết khí khái, chính nghĩa minh đạo, giữ yên đất nước, bảo vệ nhân dân, hùng tài vĩ lược, an dân trí tuệ, anh mẫn đặc đạt, chính nghĩa minh đạo, lý tố hàm trung, tế thế hồng ân, đại lược hồng mô, đôn tính anh nghị, Hậu đức mậu công, Nguyễn Quý Công Đại Vương, Đại Vương văn võ toàn tài, kinh luân đại dụng; công lao một đời, thế gia vọng tộc. Như đất trời ức niên trường cửu, âm thầm phù trợ quốc gia, để lại phúc lành mãi mãi, có công lao âm phù Hoàng gia, phục hồi chính sự ”
( Trích thần sắc niên hiêu Chiêu thống nguyên niên 1787)
-Tinh thần quả cảm, của cụ Đức Thủy Tổ Nguyễn Thái Bạt, một mình một chiến tuyến, dấy lên phong trào “ Phù Lê diệt Mạc” đặt nền móng cho Lê triều Phục Hưng.
-Hậu duệ chúng ta cảm ơn sự linh thiêng, công đức lớn như trời biển của Cụ Đức Thủy Tộc Nguyễn Thái Bạt, chỉ lối dẫn đường hậu duệ khắp nơi về quần tụ, như chim lạc đàn tìm được tổ, như nước tìm thấy nguồn, như cây đã tìm được gốc, thật kỳ lạ linh ứng làm sao ? Khi nói đến Cụ ai ai cũng nhất tâm hướng về, như cây bao ngày tìm được ánh sáng.
-Từ những ý nghĩa đó việc lập ra Hội đồng gia tộc, soạn thảo Tộc ước họ Nguyễn Thái Bạt là rất cần thiết.
-Xuất phát từ nguyện vọng chung, hậu duệ các Ngành các chi, theo Biên bản họp ngày 31 tháng 10 năm 2010 Tức ngày 24- 09 Canh Dần về việc thành lập: Ban liên lạc Họ Nguyễn Thái Bạt; nay là Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Thái Bạt và Tộc ước trong họ.
CHƯƠNG II - QUY ĐỊNH CHUNG
ĐIỀU 2. Tên gọi, đối tượng và phạm vi điều chỉnh:
a. Tên gọi: + Tộc ước Họ Nguyễn Thái Bạt
b. Đối tượng điều chỉnh:
-Mọi thành viên đang sống trên đất nước Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài thuộc họ Nguyễn Thái Bạt, từ các Cụ, Ông Bà, con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu chắt, gọi chung là: Hậu duệ, đều có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, tự nguyện, đồng thuận, đồng lòng thực hiện các quy định của Tộc ước này.
c. Phạm vi điều chỉnh của Tộc ước:
Phạm vi điều chỉnh bao gồm
- Quy định Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Thái Bạt, Hội đồng chi tộc ở các địa phương, quy định chức năng nhiệm vụ hoạt động, logo, tộc huy, tộc kỳ, con dấu, bài ca dòng họ.
- Quy định hình thức tổ chức hoạt động của dòng họ;
- Quy định việc tế lễ, tại nhà thờ, Lăng mộ Đức Thủy tổ, Đình Phan Xá - Tống Phan - Phù Cừ- Hưng Yên. Đền Tiết Nghĩa Phúc Thần - Thôn Bình Phiên - Xã Ngọc Liên - huyện Cẩm Giảng - Hải Dương;
- Quy định mối quan hệ, ứng xử, đạo hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng trong gia đình;
- Quy định việc họ, việc hôn nhân, cưới hỏi, việc mừng chúc thọ, việc thăm hỏi, việc tang lễ;
-Quy định việc giáo dục nuôi dạy con trẻ, việc khuyến học, lập và sử dụng quỹ khuyến học, quỹ khen thưởng;
- Quy định việc động viên, giúp đỡ, các thành viên trong dòng họ.
- Quy định việc thu, chi, quản lý tài chính, khen thưởng, trong họ.
ĐIỀU 3. Mục đích hoạt động:
- Xây dựng mối liên hệ tốt đẹp, phát huy truyền thống nhân văn của họ Nguyễn Thái Bạt và các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam .
- Hội tụ tất cả các hậu duệ mọi nơi tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả, lập phả hệ, bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, đền, đình, nhà thờ, lăng mộ liên quan đến dòng họ.
- Sưu tầm cung cấp thông tin nghiên cứu và tìm hiểu về Lịch Sử có liên quan đến Đức thủy tổ Nguyễn Thái Bạt, cùng các lịch sử các chi tộc.
- Định hướng các hậu duệ dòng họ có lối sống văn hoá, tập trung vào mục tiêu giáo dục con người có tri thức, có đạo đức, có tình thương yêu, đoàn kết, biết sống và làm việc theo hiến pháp và Pháp luật. Góp phần xây dựng dòng họ, xây dựng nước Việt Nam , dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.
ĐIỀU 4. Tên gọi các tổ chức Hội đồng gia tộc:
a. Tên gọi tổ chức toàn quốc:
Tên đầy đủ: - Hội đồng gia tộc – Họ Nguyễn Thái Bạt .
Tên viết tắt: - HĐGT họ Nguyễn Thái Bạt
Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Thái Bạt là tổ chức xã hội dòng họ, do những người trong họ Nguyễn Thái Bạt, luôn có tâm huyết, có trách nhiệm, có uy tín, tích cực hoạt động theo mục đích của dòng họ đề ra. Hội đồng gia tộc do đại diện chi, tộc trong dòng họ, tiến cử hoặc bầu cử lập ra, tự nguyện tham gia hoạt động vì cộng đồng dòng họ Nguyễn Thái Bạt, nhiệm kỳ 5 năm một lần.
- Trụ sở chính : Nhà thờ Đình Nguyên- Tiến Sĩ – Hoàng Giáp – Nguyễn Thái Bạt
- Địa chỉ: Thôn Tứ Kỳ Thượng – Xã Ngọc Kỳ - Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương
-Số Đ.thoại: T. Họ Chi Tứ Kỳ: Nguyễn Văn Thành: 0320.3519903- 01673355305
Chủ tịch HĐGT: Nguyễn Hải Yến – ĐT: 0320.3743036 - 01646516678
-Địa chỉ thông tin liên lạc
- Email: thatbatts@gmail.com
- Fabook: thatbatts@gmail.com
- www: vietnamgiapha\nguyenthaibat\haiduong
- www: hephavietnam\nguyenthaibat\haiduong
b. Tên gọi tổ chức Hội đồng chi tộc ở các địa phương gồm:
1*Tên đầy đủ: - Họ Nguyễn Thái Bạt – Hội đồng Chi tộc họ Nguyễn Huyện Tứ Kỳ + Huyện Bình Giang – Tỉnh Hải Dương
Tên viết tắt: - HĐCT – Họ Nguyễn Huyện Tứ Kỳ + Huyện Bình Giang – Hải Dương
2*Tên đầy đủ: Họ Nguyễn Thái Bạt – Hội đồng Chi tộc họ Nguyễn thôn Bình Phiên – Xã Ngọc Liên – Huyện Cẩm Giàng - Tỉnh Hải Dương
Tên viết tắt: - HĐCT – Họ Nguyễn thôn Bình Phiên – Xã Ngọc Liên- Huyện Cẩm Giàng - Tỉnh Hải Dương
3*Tên đầy đủ: - Họ Nguyễn Thái Bạt – Hội đồng Chi tộc họ Nguyễn thôn Văn Thai – Xã Cẩm Văn – Huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương
Tên viết tắt: - HĐCT – Họ Nguyễn thôn Văn Thai – Xã Cẩm Văn – Huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương
4*Tên đầy đủ: - Họ Nguyễn Thái Bạt – Hội đồng Chi tộc họ Nguyễn thôn Long Khê- Xã Ngọc Xá – Huyện Quế Võ – Tỉnh Bắc Ninh
Tên viết tắt: - HĐCT – Họ Nguyễn thôn Long Khê – Xã Ngọc Xá – Quế Võ - Tỉnh Bắc Ninh
5*Tên đầy đủ: - Họ Nguyễn Thái Bạt – Hội đồng Chi tộc họ Nguyễn thôn Xuân Trạch – Xã Xuân Canh – Huyện Đông Anh – TP Hà Nội
Tên viết tắt: - HĐCT – Họ Nguyễn thôn Xuân Trạch –Xã Xuân Canh – Huyện Đông Anh – TP Hà Nội
6*Tên đầy đủ: - Họ Nguyễn Thái Bạt – Hội đồng Chi tộc họ Nguyễn thôn Cao Thọ – Xã Vạn Ninh- Huyện Gia Bình - Tỉnh Bắc Ninh
Tên viết tắt: - HĐCT – Họ Nguyễn thôn Cao Thọ – Xã Vạn Ninh – Huyện Gia Bình - Tỉnh Bắc Ninh
ĐIỀU 5: Chức năng - nhiệm vụ cơ bản- Hội đồng gia tộc; Hội đồng chi tộc:
- Chức năng Nhiệm vụ của Hội đồng gia tộc là đại diện cho nguyện vọng, tiếng nói chung của cộng đồng họ Nguyễn Thái Bạt, ở các địa phương, của các chi tộc trong lĩnh vực hoạt động văn hoá dòng họ.
- Nhiệm vụ của Hội đồng gia tộc, Hội đồng chi tộc, là nơi tập hợp tất cả hậu duệ và cung cấp thông tin, về các hoạt động văn hoá của dòng họ; Phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền lịch sử dòng họ, để mọi thành viên trong dòng họ cùng thống nhất thực hiện theo quy định của tộc ước, dòng họ đề ra.
-Trung tâm đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, bảo vệ, bảo tồn di tích, Đền, Đình, Nhà thờ,Lăng mộ, sưu tầm, bổ sung tộc phả, lịch sử của dòng họ, chi, tộc họ.
-Xây dựng và duy trì hoạt động các tổ chức thuộc Hội đồng gia tộc dòng họ, Hội đồng chi tộc, hoạt động theo các khu vực, địa phương, chi, tộc họ
ĐIỀU 6. Biểu tượng, huy hiệu dòng họ, Tộc Kỳ:
a. Biểu tượng :
- Biểu tượng : dòng họ Nguyễn Thái Bạt là một hình tròn, vòng trong ngoài nền đỏ ghi chữ vàng uốn lên chữ: Lê triều – Thủ khoa - Tiến Sĩ – Hoàng Giáp khoa thi năm 1520, chữ uốn xuống dưới : Dòng họ Nguyễn Thái Bạt - nền trắng (Ghi), ở giữa là cây đại thụ, biểu tượng sinh ra cùng một gốc, lá xanh, thân màu nâu. Trước cây đại thụ ghi: Nguyễn bằng chữ hán, màu đỏ thể hiển dòng họ Nguyễn
b. Huy Tộc:
Huy Tộc: họ Nguyễn Thái Bạt chính là biểu tượng logo dòng họ làm bằng chất liệu bằng chất liệu mạ đồng vàng sáng;
c. Tộc Kỳ ( Là Cờ dòng họ):
-Tộc kỳ là biểu tượng của dòng tộc được dùng trong ngày lễ trọng của dòng họ.
- Tộc Kỳ được được thiết kế theo kiểu cờ Thần, ở giữa là Tộc huy, trên nền màu trằng (Ghi) ở giữa, vì Đức Thủy Tổ sinh 1504 – Giáp Tý – Mệnh Kim, sau đó đến viền Đen (Xanh nam) (Thủy) – Tiếp viền Xanh (Mộc) – Tiếp viền Đỏ ( Hỏa) – Tiếp viền Vàng (Thổ) – Phần đỏ đuôi nheo ở ngoài – Theo nguyên lý tương sinh: Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ;
-Kích thước cờ chung của dòng họ: 1,73 m X 1,73m Trong đó: Tộc huy = 41cm; Ô vuông màu ghi ở giữa = 81cm; 4 đường viền X 8cm = 32 cm; Phần nheo = 14cm
-Kích thước cờ các: Chi tộc họ Nguyễn Thái tại các đại phương: 1,55 m X 1,55m
Trong đó: Tộc huy = 41cm; Ô vuông màu ghi ở giữa = 68cm; 4 đường viền X 8cm = 32 cm; Phần nheo = 11cm
-Có hai loại cờ, một loại cờ treo và loại cờ bay, giống nhau về hình thức, khác nhau về chỗ để treo cờ, để cờ bay.
ĐIỀU 7. Con dấu của Hội đồng gia tộc- Bài ca truyền thống.
a. Con dấu của Hội đồng gia tộc
Con dấu HĐGTđược làm bằng vật liệu đồng vàng, (hình tròn d=41mm), HĐCT dấu 38mm, với đường viền phía ngoài vòng trong ngoài nền đỏ ghi chữ vàng uốn lên chữ: Lê triều – Thủ khoa- Tiến Sĩ – Hoàng Giáp khoa thi năm 1520, chữ uốn xuống dưới: Dòng họ Nguyễn Thái Bạt, bên trong ghi Hội đồng gia tộc, Hội đồng chi tộc mực dấu màu đỏ.
b. Bài ca dòng họ Nguyễn Thái Bạt:
- Về lâu dài phát huy tinh thần sáng tác trong dòng họ, sáng tác bài hát là lời tâm huyết tri âm dòng họ nhớ ơn công đức tổ tông, với dân tộc, sự hãnh diện của dòng họ với công đức, giáo dục hậu duệ phấn đấu theo gương đức Thủy Tổ.
Đề nghị mọi người trong họ phát huy và gửi ý kiến cho Ban thường trực hội đồng gia tộc.
CHƯƠNG III
HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG –
HỘI ĐỒNG GIA TỘC TRƯỞNG HỌ
ĐIỀU 8: Tổ chức Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Thái Bạt:
* Hội đồng Gia tộc Nguyễn Thái Bạt do cuộc họp mặt các đại biểu tiến cử hoặc bầu cử - Nhiệm kỳ 5 năm gồm:
- Chủ tịch hội đồng dòng họ (một người )
- Các Phó chủ tịch (số lượng 4 người)
- Các uỷ viên thành viên (Tuỳ theo nhu cầu)
-Nguyên tắc tập trung dân chủ, hoạt động tiểu số phục tùng đa số, tập thể bàn bạc nhất trí ra chủ trương, các nhân duy trì tổ chức thực hiện.
-Cuộc họp mặt đại biểu thành viên HĐGT vào ngày 20/ 08 Giỗ Đức Thủy Tổ tại: Trụ sở: Nhà thờ Đình Nguyên - Tiến Sĩ - Hoàng Giáp – Nguyễn Thái Bạt; thôn Tứ Kỳ Thượng – Xã Ngọc Kỳ - Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương,
-Các câu lạc bộ ….tuỳ theo yêu cầu và về lâu dài điều kiện để bố trí.
ĐIỀU 9: Họ Nguyễn Thái Bạt - Tổ chức Hội đồng chi, tộc:
-Mỗi chi, tộc họ căn cứ theo nhu cầu để tiến cử người trong chi, tộc họ mình có đủ uy tín, tâm đức, có điều kiện hoạt động vào Hội đồng chi, tộc nhằm giúp tộc trưởng các chi, tộc họ các việc tổ chức điều hành hoạt động của chi, tộc họ - Nhiệm kỳ 5 năm.
*Hội đồng chi, tộc họ gồm:
- Chủ tịch Hội đồng chi, tộc họ (một người ).
- Các phó chủ tịch nếu cần thiết (tuỳ theo nhu cầu);
- Các uỷ viên hội đồng (số lượng uỷ viên tuỳ theo yêu cầu của chi, tộc họ.
-Trụ sở: Nhà thờ các chi họ.- Nguyên tắc tập trung dân chủ, hoạt động tiểu số phục tùng đa số, tập thể bàn bạc nhất trí ra chủ trương, các nhân duy trì tổ chức thực hiện.
-Chức danh Chủ tịch Hội đồng chi, tộc họ giúp đỡ trưởng các chi tộc, bao quát , điều hành công việc chung trong họ, không có nghĩa vụ làm thay vị thế của Tộc trưởng về chức việc chủ thờ cúng tổ tiên (trừ khi vị Tộc trưởng tuổi còn quá nhỏ….).
-Hội đồng chi, tộc họ là nơi tổ chức, việc thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, giám sát mọi hoạt động, kể cả việc huy động thu, chi quản lý nguồn quỹ tài chính theo chủ trương, thống nhất chung của chi, tộc họ.
ĐIỀU 10: Vai trò trách nhiệm của trưởng họ
-Trưởng họ là người trưởng của một dòng họ, trưởng họ có trách nhiệm thờ cúng Tổ Tiên, theo phong tục thờ cúng của dân tộc Việt Nam, người trưởng họ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, duy trì nền nếp gia phong, gia giáo của một dòng họ cả về trước mắt cũng như lâu dài, do vậy người trưởng họ phải cần có những phẩm chất như sau:
1- Luôn là người có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống trong sang, giản dị, kính trên, nhường dưới, luôn có trách nhiệm với dòng họ.
2- Thường xuyên trao dồi phẩm chất đạo đức, luôn giữ gìn phẩm hạnh, là tấm gương sáng để trong họ học tập, là trung tâm đoàn kết, hạt nhân tích cực công tác hòa giải trong dòng tộc
3- Luôn có trách nhiệm duy trì thờ cúng tổ tiên, thực hiện các nghi thức tế lế, tổ tiên theo phong tục thờ cúng của Việt Nam tại nhà thờ họ, quan tâm chăm lo đến âm phần của dòng họ.
4-Quan hệ chặt chẽ với HĐCT, các kỳ lão trong họ, cùng bàn bạc thống nhất hình thức tổ chức tế lễ hàng năm, mời các thành viên dòng họ đến tham dự.
5- Cùng HĐCT, các kỳ lão trong họ, duy trì và phát triển một số phong trào khác của dòng họ, quan hệ với các dòng họ khác, với địa phương, để giải quyết các công việc của dòng họ.
CHƯƠNG IV
NGHI THỨC TẾ LỄ, KÍNH LỄ, QUẢN LÝ, BẢO VỆ NHÀ THỜ, ĐỀN, ĐÌNH, LĂNG MỘ, DI SẢN LỊCH SỬ VĂN HOÁ:
ĐIỀU 11: Tổ chức nghi lễ tế lễ, kính lễ đâng hương:
-Tục lệ thờ cúng tổ tiên, kỵ cụ ông bà, cha mẹ và những người quá cố của dòng họ có từ ngàn xưa. Việc tế lễ, kính lễ là hoạt động văn hoá tâm linh nhằm mục đích giáo dục đạo đức, sự tôn trọng, lòng biết ơn tổ tiên, liệt tổ liệt tông, nhằm răn dạy hậu duệ đức tính thiện căn cho con người.
-Người làm tế lễ, cúng kính có bổn phận thành tâm; đảm bảo người, mặt mũi, đầu tóc gọn gàng, chân tay sạch sẽ, mặc trang phục phải sạch sẽ tươm tất để tỏ lòng tôn kính.
-Người đến tham dự tế lễ, kính lễ có trách nhiệm giữ khuôn phép nghiêm túc trật tự.
-Vật phẩm tế cúng phải sạch sẽ và chưa từng đã dùng tế cúng.
-Bài văn tế lễ, trúc văn, người đọc văn các chấp sự tham gia tế cúng theo nghi thức truyền thống cần được Tộc trưởng, hoặc Chủ tịch hội đồng bố trí chuẩn bị chu đáo từ trước.
-Khi tổ chức đại tế mọi người làm tế lễ mặc trang phục theo quy định.
(Bài Quốc ca, bài ca họ Nguyễn Thái Bạt, cất lên trước khi vào tế lễ truyền thống).
Sau khi tế lễ xong chủ tế có lời mời mọi người tham dự lễ tế có bổn phận lần lượt theo thứ bậc vào bái lễ dâng hương tổ tiên, đi theo hàng lối có trật tự thống nhất, tránh ùn tắc.
-Con cháu dâng hương bái tổ tiên nếu có nguyện vọng cầu xin tiên tổ phù trì, không nên cầu khấn to tiếng ồn ào mà cốt ở sự thành tâm hướng về tiên tổ.
ĐIỀU 12: Bài Chúc văn tế Đức Thủy Tổ - Liệt tổ liệt tông:
- Phần thủ tục hành chính mỗi nơi một khác nhau, song phần thân thế sự nghiệp của Đức thủy tổ Nguyễn Thái Bạt, giống nhau để khi đọc lên mọi người nghe thấy đều rễ hiểu, rễ nhớ.
1- Văn Tế tại Lăng Mộ Đức Thủy tổ Nguyễn Thái Bạt mỗi khi có đoàn đến dâng hương kính lễ - tại Đống Mả Đầu - Thôn Tứ Kỳ Thượng – xã Ngọc Kỳ - Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương.
- Văn Tế tại Nhà thờ Đình Nguyên – Tiến Sĩ – Hoàng Giáp Nguyễn Thái Bạt, Ngày giỗ tổ 20 - 08 tại Thôn Tứ Kỳ Thượng – xã Ngọc Kỳ - Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương.
2- Chúc văn tế lễ Đền Tiết Nghĩa Phúc Thần – Quan Tiết, Thụy Cương Trực, tại Thôn Bình Phiên – Xã Ngọc Liên- huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương
3- Chúc Văn tế Thành Hoàng làng Nguyễn Thái Bạt – Thụy Cương Trực, tại Đình làng thôn Phan Xá – Xã Tống Phan – Huyện Phù Cừ - Tỉnh Hưng Yên.
4- Văn tế tại nhà thờ các chi tộc vận dụng linh hoạt các nội dung của các văn tế trên sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh.
(Trong Tiểu thuyết : Đất Thang Mộc – của nhà văn Hoài Anh – Tác giả viết Đức thủy tổ Nguyễn Thái Bạt mất đúng ngày Mạc Đăng Dung lên ngôi tức 15-6 -1527, kính mong trong dòng họ xem xét)
ĐIỀU 13. Trang phục dòng họ:
-Trang phục dòng họ Nguyễn Thái Bạt khi tế lễ. Bộ lễ phục sử dụng quần áo dài truyền thống Việt Nam với năm màu: Đỏ tía, Đỏ, Vàng, Xanh và màu Đen. Chỉ mặc khi tế lễ, kính lễ hoặc hội họp dòng họ hàng năm. Loại thụng ống tay áo để phục vụ cho việc tế lễ, đầu đội mũ tế, màu mũ theo màu áo, chân đi dày hia truyền thống đối với những người trong đội tế, những người có điều kiện.
- Loại hẹp ống tay áo để dễ thao tác và giản tiện; đầu đội khăn xếp, màu khăn theo màu áo, chân đi dép, giầy bình thường cho thuận tiện. Hoặc loại trang phục hẹp ống tay áo, đầu đội khăn xếp, màu khăn theo màu của áo, chân đi dày dép bình thường hàng ngày cho giản tiện đối với những người đến dự, có điều kiện, thành phần không có điều kiện mang mặc bình thường.
ĐIỀU 14: Lăng mộ Đức Thủy Tổ - Mộ mả các chi tộc
- Lăng mộ nơi yên nghỉ thiên thu vĩnh hằng của Đức Thủy Tộc, tại Đống Mả Đầu thôn Tứ Kỳ Thượng- Xã Ngọc Kỳ – Huyện Tứ Ký- Tỉnh Hải Dương được họ Nguyễn Thái Bạt – Chi tộc Tứ Kỳ - Bình Giang hương khói hàng trăm năm nay.
- Công trình Lăng mộ mới khởi công xây dựng năm 2009, được thiết kế xây dựng theo kiến trúc cổ truyền, mang đậm đà bản sắc dân tộc, tương xứng tầm vóc công trạng của Đệ nhất danh Tiến sĩ – Hoàng Giáp – Quan Hàn Lâm Viện, là nơi hậu duệ hàng năm về đây dâng hương tưởng nhớ công ơn trời biển của Đức Thủy tổ, đối với dân tộc, đối với nhân dân.
- Mồ mả tổ tiên dòng họ, chi, tộc họ là nơi tôn nghiêm, bất khả xâm phạm, các con cháu trong họ, chi tộc họ phải thường xuyên trông nom chăm sóc bảo vệ.
Việc cất bốc mồ mả trong chi, tộc họ rất hệ trọng, tuyệt đối không cất bốc mồ mả khi trong chi, tộc họ chưa đoạn hết tang khó. Việt cất bốc, di dời, cải tạo xây cất, mồ mả của tổ tiên dòng họ cần được mọi người trong chi, tộc họ đồng thuận, nhất trí.
ĐIỀU 15: Đền Tiết Nghĩa Phúc Thần - Thờ Quan Tiết
Năm 1666 niên hiệu Lê Huyền Tông, sắc phong cho các Văn thần Nguyễn Thái Bạt là trung thần tiết nghĩa, cụ được sắc phong : Trung Đẳng Thần, nhà vua cho dân lập đền thờ Cụ tại quê hương: Thôn Bình Phiên - Xã Ngọc Liên - Huyện Cẩm Giàng - Tỉnh Hải Dương. Đền thờ Tiết Nghĩa Phúc Thần, nghi thức tế lễ, như tế lễ bách thần, ngôi đền do chiến tranh tàn phá ngày nay đã được nhân dân Thôn Bình Phiên – Xã Ngọc Liên- Huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương xây dựng lại 3 gian trên nền móng cũ. Hàng năm nhân dân địa phương và hậu duệ tổ chức tế lễ, ghi nhớ công lao trời biển của cụ “Âm thầm phù hộ quốc gia, phục hồi chính sự” giúp nhà Lê Trung Hưng.
Lễ hội địa phương tổ chức 14 tháng giêng âm lịch hàng năm.
ĐIỀU 16: Đình làng Phan Xá – Xã Tống Phan – Huyện Phù Cừ - Tỉnh Hưng Yên nơi cụ được Sắc Phong Thành Hoàng Làng.
-Năm 1516 Cụ 13 tuổi thi đã đỗ Hương Cống thứ ba, “Sau khi vinh quy bái tổ xong Cụ xin phép cha mẹ, cho đi thăm xem xét đời sống dân tình, Cụ đi rất nhiều nơi, đã đến Trang Phan Xá, xã Tống Phan – Huyện Phù Cừ – Tỉnh Hưng Yên ngày nay, thấy vùng đất thấy một khu đất có địa thế sông núi quanh co, Hổ Rồng ôm bọc, nước chảy cát bồi, núi thì không cao ( Đất pha cát), nước hữu tình, ngẫm phong cảnh cũng thất phong quang. Thế mà Ngài thấy phong tục của dân ở đây con chất phác, thô lậu, học lực kém cỏi, ít kiến văn, ngay trong hôm đó, Ngài truyền cho nhân dân dựng nhà học trên đất ấy để dạy cho văn học Cụ dạy học bốn năm ở đây. Trong vài năm thì nhân dân đều ngưỡng mộ Ngài, văn học thông thạo khéo léo và trở thành một vùng đất có lễ nghĩa” Thời gian này Cụ vẫn miệt mài kinh sử.
-Năm 1520 lúc đó 17 tuổi Cụ dự thi Đình đỗ Thủ khoa Tiến Sĩ - Hoàng Giáp, khoa thi Canh Thìn, làm quan Hàn Lâm ở Viện Hiệu Lý.
- Ngày 27/7/1522 vua Lê Chiêu Tông bị ép phải chạy ra khỏi thành, Nguyễn Thái Bạt cùng thày dạy Nguyễn Văn Vận phò giá vào Lam sơn – Thanh hóa.
- Tháng 12/ 1526 Mạc Đăng Dung bắt được vua Lê Chiêu Tông, giết chết tại Đông Hà Cụ từ quan trở về quê, rồi lại đến Trang Phan xá, “Cùng vui với xóm dân hưởng tuổi trời”.
- Ngày 15 tháng 3 năm 1527 cụ bị Đăng Dung ép vời về cung.
- Ngày 15 tháng 6 năm 1927 Mạc Đăng Dung đăng quang ngôi vua. Có sách nói cụ mất đúng ngày Mạc Đăng Dung lên ngôi, năm đó cụ tròn 24 tuổi.
*Năm 1572 sau khi cụ Nguyễn Thái Bạt mất 45 năm Vua Lê Anh Tông sắc chuẩn bản Thần tích: Thái Bạt linh ứng Đại Vương, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn cho thôn Phan Xá xã Tống Phan huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên thờ phụng. Sau này nhiều đời Vua sắc phong tôn vinh công trạng
của ông, bài vị thờ tại Đình làng Phan Xá còn dòng chữ:
Lê Triều Bảng Nhãn, Hàn Lâm Thị Thư Nguyễn Công Húy
Thái Bạt lịch phong Trung liệt Đại Vương Đương cảnh Phúc Thần.
- Các Bản Phả, các sắc phong cho Thành Hoàng Nguyễn Thái Bạt còn lưu lại tại Đình làng.
- Đạo Sắc gần đây nhất Ngày 25 tháng 7 Khải định thứ 9 (1924) Sắc phong Ban cho làng Phan xá, huyện Phù cừ tỉnh Hưng yên, thờ phụng nguyên tặng:
Thái Bạt Dực bảo Trung hưng Linh phù, Lê Triều Bảng Nhãn – Hàn Lâm Thị Thư, Nguyễn Đại vương tôn thần
Theo lệ cũ nhân dân Phan Xá lễ tế cụ:
-Vào tiết sinh nhật của Thần 10 tháng giêng, theo chính lệ thì biện lễ trên có đồ chay, phẩm quả, dưới thì tuỳ nghi, ca hát 3 ngày.
-Vào ngày hoá của Thần 15 tháng 3, theo chính lệ thì biện lễ trên có mâm chay, dưới có thịt lợn đen, xôi, rượu, bánh dày.
Ngày nay nhân dân làng Phan xá Tổ chức lễ hội tế lễ Ngài 10-03 hàng năm
- Thật là linh thiêng đến ngày 30 - 40 - 2010 hậu duệ của Cụ mới tìm thấy sau 493 năm (2010 - 1527), hậu duệ đã dâng hương lễ vật cung kính tưởng nhớ Cụ, các thông tin với Ban quản lý di tích đình làng Phan Xá, nơi cụ được sắc phong Thành Hoàng, với hậu duệ của Cụ được lối lại từ đây, đình làng đã được ủy Ban nhân dân tỉnh Hưng Yên công nhận di tích lich sử cấp Tỉnh.
ĐIỀU 17: Nhà thờ Đình Nguyên- Tiến Sĩ – Hoàng Giáp - Nguyễn Thái Bạt; nhà thờ các chi tộc.
- Ngôi nhà thờ Đình Nguyên – Tiến Sĩ – Hoàng Giáp Nguyễn Thái Bạt chung cả họ, tại Thôn Tứ Kỳ Thượng – Xã Ngọc Kỳ - Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương, hậu duệ có tâm nguyện xây dựng một ngôi nhà thờ chung để mọi người con cháu trong dòng họ có điều kiện họp mặt tri ân tiên tổ, để tế lễ Đức Thủy Tổ Nguyễn Thái Bạt.
- Nhà thờ các chi, tộc họ Nguyễn Thái - Các chi tộc họ thờ cúng các cụ khởi tổ, lễ lạy cụ Đại tổ Nguyễn Thái Bạt, đó là nhà thờ riêng cho chi, tộc họ của mình.
-Nhà thờ dòng họ, chi, tộc họ là tài sản vô giá để lại cho đời sau, là nơi thờ phụng tâm linh, nơi hội tụ giao lưu gặp mặt các thế hệ con cháu của chi, tộc họ. Nhà thờ là nơi thực hành các nghi lễ tâm linh thờ cúng tổ tiên, nơi biểu thị các chuẩn mực cốt cách gia phong, gia giáo của dòng họ; nơi tuân theo nghi thức tôn ty thứ bậc của dòng họ và biểu thị tôn trọng tri thức và người cao tuổi; nơi đây không được có lời nói khiếm nhã, cãi cọ, chửi thề hoặc chơi cờ bạc, ăn uống bê tha.
-Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tâm linh tôn nghiêm của dòng tộc, do vậy không cho phép các hoạt động cầu đồng bóng hoặc nhằm tuyên truyền mê tín dị đoan.
-Nhà thờ của chi, tộc họ được xây dựng to, nhỏ tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi chi, tộc họ, nhưng nhà thờ họ có nền nhà cao hơn nhà ở của gia đình (Nếu nhà thờ họ và nhà ở cùng chung trong thửa đất ).
-Việc xây dựng, tu bổ, di dời, thay đổi kiến trúc nhà thờ họ cần được mọi người trong dòng họ, chi, tộc họ đồng thuận.
ĐIỀU 18: Đúc tạc tượng Thần Nguyễn Thái Bạt
- Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Thái Bạt, có trách nhiệm liên hệ, cùng bàn bạc thống nhất với Lãnh đạo; Chính quyền; Mặt trận tổ quốc; Hội người cao tuổi; Ban quản lý di tích; nhân dân hai địa phương là:
+ Thôn Bình Phiên – Xã Ngọc Liên – Huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương, nơi có Đền Tiết Nghĩa Phúc Thần
+ Thôn Phan Xá – Xã Tống Phan – Huyện Phù Cừ - Tỉnh Hưng Yên, nơi thờ Thành Hoàng Nguyễn Thái Bạt tại Đình làng.
Cùng nhau làm rõ thân thế sự nghiệp của Tiến Sĩ Nguyễn Thái Bạt, công lao đức nghiệp đối với dân tộc, với nhân dân, và sự hy sinh cao cả của Ngài để lại tấm gương sáng cho thế hệ mai sau học tập.
+ Từ đó hun đúc kết tinh thành hình ảnh tượng thần Nguyễn Thái Bạt, để thờ tự tại Đền Tiết Nghĩa Phúc thần và Đình làng Thôn Phan Xá, Tượng phiên bản 1 cùng một kích cỡ lớn nhất. Cao 1,06m
+ Nhà thờ chung của Họ Nguyễn Thái Bạt, lấy mẫu phiên bản 2 Tượng thống nhất, nhưng nhỏ hơn một cấp. Cao 0,89m
+ Nhà thờ của các chi tộc, lấy mẫu phiên bản 3 Tượng thống nhất, nhưng nhỏ hơn mẫu của nhà thờ chung, để hậu duệ các chi tộc lễ vọng mỗi khi kính lễ. cao 0,81m
(Công việc này rất quan trọng cần phải bàn bạc thật kỹ lưỡng, chu đáo, thấu tình, đạt lý mới tổ chức thực hiện)
ĐIỀU 19: Quản lý bảo vệ di sản văn hoá vật thể, phi vật thể:
- Đền, Đình, Lăng mộ, cùng với nhà thờ, Gia phả, các tài liệu sử sách, các tàng thư cổ, là các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, vô cùng quý giá của dòng họ, chi, tộc họ để lại cho đời sau. Các di sản khác có nguồn gốc xuất xứ hàng trăm năm; các cổ vật của chi, tộc họ, bảo vật gia đình, cá nhân thuộc dòng họ, chi, tộc họ có ý nghĩa Lịch sử, Văn hoá; của dòng họ, chi, tộc họ là tài sản vô giá, dòng họ khuyến khích hiến tặng cho dòng họ, chi, tộc họ và cần phải được mọi người trong dòng họ bảo vệ chu đáo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá.
CHƯƠNG V
ĐẠO HIẾU GIA ĐÌNH; MỐI QUAN HỆ, ỨNG XỬ,
HOÀ GIẢI MÂU THUẪN
ĐIỀU 20: Đạo hiếu nghĩa với gia đình:
-Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng cơ bản vững chắc của dòng họ. Gia đình hạnh phúc trên cơ sở hoà thuận, tôn trọng và nhường nhịn nhau, chung sức đồng lòng đắp xây gia đình văn sống tốt sống đẹp, thì mới có dòng họ tốt đẹp.
Các con cháu chắt dòng họ Nguyễn Thái Bạt có bổn phận luôn giữ trọn đạo hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ, người trên; kính trọng học tập người có phẩm hạnh đạo đức và tri thức, tích cực học tập công tác hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
-Bổn phận của bậc làm cha mẹ, ông bà phải biết, dìu dắt, biết hy sinh vì tương lai con cháu.
-Bổn phận của các anh chị em là nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ người gặp khó khăn hơn.
-Sự quan tâm chăm sóc dạy dỗ, chỉ bảo của ông bà, cha mẹ là làm tấm gương sáng mẫu mực để giáo dục thế hệ trẻ mai sau noi theo.
ĐIỀU 21: Mối quan hệ giữa các tổ chức Hội đồng của dòng họ:
Dòng họ Nguyễn Thái Bạt thành lập với hai mô hình tổ chức:
-Hội đồng dòng họ Nguyễn Thái Bạt toàn quốc
-Hội đồng chi tộc, tại các chi họ.
-Hai mô hình tổ chức Hội đồng của dòng họ Nguyễn Thái Bạt, bình đẳng với nhau, không phân biệt thứ cấp, không có mệnh lệnh, chỉ động viên cùng tự nguyện thực hiện tộc ước theo tiếng gọi của lương tri, vì tổ nghiệp.
- Mối quan hệ giữa Hội đồng gia tộc Nguyễn Thái Bạt, Hội đồng chi tộc, tại các chi tộc họ là mối quan hệ hoàn toàn tự nguyện, đồng lòng và đoàn kết, cùng phối hợp thực hiện mục tiêu, nội dung các tôn chỉ dòng họ đề ra.
ĐIỀU 22: Mối quan hệ, ứng xử trong dòng họ:
a- Quan hệ nam, nữ trong dòng họ
-Tộc ước của dòng họ Nguyễn Thái Bạt, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, tôn giáo, dân tộc, nam hay nữ đã cùng một họ đều là anh, chị, em như cây một cội, như nước một nguồn, chung một dòng huyết thống, là người trong một nhà.
-Tộc ước dòng họ Nguyễn Thái Bạt luôn nhắc nhở ý thức, trách nhiệm mọi người nam nữ thuộc cùng dòng họ, dù xa nhau bao nhiêu đời cũng không nên lập thành gia thất với nhau.
-Tộc ước dòng họ Nguyễn Thái Bạt khuyến nghị mọi người thuộc dòng họ, nên biết vâng lời khuyên có tính khoa học của tổ tiên; khuyên răn mọi người nam, nữ cùng dòng họ, luôn tự xác định ý thức biết giữ tình cảm nam, nữ trong dòng họ chỉ giới hạn mức độ là anh chị em cùng một dòng tộc, nhất quyết không thể đi đến xây dựng gia thất với nhau.
b. Ứng xử xưng danh với nhau:
- Người dòng họ Nguyễn Thái Bạt, gặp nhau khi chưa có đủ điều kiện để phân biệt chi trên ngành dưới thì người nhiều tuổi là ông, bà, cô, bác, hoặc là anh chị…; Nếu hai người cùng tuổi gặp nhau thì xưng gọi Tôi với Anh, Tôi với Chị….
-Từ xa xưa dòng họ rất kiêng kị người trong dòng họ khi chưa phân biệt được chi trên ngành dưới mà đã xưng danh tự cho mình là kẻ cả, bề trên và coi việc tự xưng danh làm bề trên là mầm mống hậu họa, dễ gây bất hoà trong dòng họ.
c. Ứng xử trong điều ăn tiếng nói: :
-Dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào người họ Nguyễn Thái Bạt, phải luôn giữ khuôn phép, từ tốn; cởi mở mà đứng đắn đoan trang, vui vẻ, khôi hài mà không lỗ mãng; Yêu cầu kiên quyết nhưng không tỏ thái độ bực tức, bức xúc, gay gắt, khùng ngộ.
-Có lối sống tự tin, lòng tự trọng, chính trực, kiên trì lấy “Chữ Nhẫn” làm đầu, tránh va chạm vô ích. Lời ăn tiếng nói có lễ phép, tuân theo ngôi, thứ bậc trong chi tộc họ để xưng hô; nên tránh việc xưng hô thôi tục mày, tao chi tớ theo kiểu: cá mè một lứa.
ĐIỀU 23: Hoà giải mâu thuẫn nội bộ dòng họ:
-Tộc ước dòng họ Nguyễn Thái Bạt luôn khuyến khích, vận động mọi người trong dòng họ khi xẩy ra có tranh chấp, bất đồng chính kiến, trong nội bộ dòng họ thì trước hết mỗi người biết tự giác kiềm chế, không nói nhiều lời làm gây thêm sự bức xúc, làm trầm trọng thêm mối bất hoà trong nội bộ dòng họ.
-Yêu cầu các bên tự nhìn nhận đúng sai của chính mình, khuyến khích sự nhường nhịn giúp đỡ nhau, tôn trọng những thoả thuận hoà giải có tình, có lý của các bên.
-Khi hai bên không thống nhất quan điểm thì mời người có tâm đức, uy tín trong chi, tộc họ hoặc Hội đồng chi tộc dòng họ làm trọng tài trung gian hoà giải mâu thuẫn tranh chấp. Không nên đưa khiếu kiện, giải quyết tranh chấp khiếu kiện việc nội bộ trong dòng họ bằng biện pháp ra công đường, luật pháp vô tình, mất hết tình cảm họ hàng.
CHƯƠNG VI
VIỆC VÀO HỌ, BÁO TUỔI TRƯỞNG THÀNH, HÔN THÚ,
MỪNG CHÚC THỌ, THĂM HỎI, TANG LỄ:
ĐIỀU 24: Việc vào họ:
-Mọi người dù trai hay gái, con đẻ hay con nuôi, con trong giá thú hay con ngoài giá thú khi sinh ra có bố, mẹ, người nhận làm bố mẹ là người dòng họ Nguyễn Thái Bạt, đều có quyền bình đẳng làm tủ tục vào nhập họ.
-Thân nhân người mới sinh hoặc nhận con nuôi có bổn phận đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình tổ tiên xin ghi tên, ngày tháng năm sinh vào sổ họ và cầu mong tổ tiên chứng giám, phù trì cho sức khoẻ, ngoan, khôn lớn trưởng thành.
-Ghi lễ đơn giản hương đăng, hoa quả, tiền vàng, rượu nước thành tâm là chính, kính cáo tổ tiên.
-Đây là việc làm ngoài ý nghĩa tâm linh, còn có ý nghĩa giáo dục ý thức đạo hiếu nhớ đến tổ tông, giáo dục ý thức sống có bổn phận vì cộng đồng dòng họ, vì mọi người.
ĐIỀU 25: Việc báo tuổi trưởng thành:
-Người đến tuổi trưởng thành (Vào tròn tuổi 18 ) có bổn phận, nghĩa vụ đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình Tổ Tiên việc bản thân đã đến tuổi trưởng thành và cầu mong tổ tiên phù trì cho sức khoẻ, trí tuệ, bản lĩnh nghị lực tự tin giúp tự thân lập nghiệp, tạo lập cuộc sống, xây dựng gia đình.
-Ghi lễ đơn giản hương đăng, hoa quả, tiền vàng, rượu nước, thành tâm là chính, kính cáo tổ tiên.
-Đây là việc làm có ý nghĩa giáo dục ý thức cho người đến tuổi trưởng thành biết được trách nhiệm nghĩa vụ của mình đối với dòng tộc, gia đình, và trách nhiệm nghĩa vụ công dân trước pháp luật và xã hội.
ĐIỀU 26: Việc hôn nhân, cưới hỏi:
-Mọi người nam, nữ dòng họ Nguyễn Thái Bạt, đến tuổi trưởng thành đều có quyền, nghĩa vụ lập gia đình riêng nhằm bảo đảm sự phát triển, duy trì nòi giống dòng họ và giống nòi của dân tộc Việt Nam.
-Người chuẩn bị lập gia đình riêng, cùng người yêu có trách nhiệm đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình tổ tiên về việc: bản thân xin lập gia đình với người mình yêu và bày tỏ lời cầu mong tổ tiên phù trì cho vợ chồng sức khoẻ, sinh con đẻ cái, gia đình hoà thuận, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Ghi lễ đơn giản hương đăng, hoa quả, tiền vàng, rượu nước, thành tâm là chính, kính cáo tổ tiên.
-Trai, gái dòng họ khi dựng xây dựng gia đình, có trách nhiệm tuân theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Vợ chồng phải được đăng ký và có giấy kết hôn hợp pháp.
-Việc tổ chức lễ thành hôn, phải thật sự có ý nghĩa, trang trọng, vui vẻ, tiết kiệm, theo phong tục và quy định của chính quyền địa phương.
Anh chị em con cháu trong chi, tộc họ có trách nhiệm, nghĩa vụ phối hợp với đoàn thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị để giúp đỡ gia đình “đôi uyên ương” trong việc tổ chức hôn lễ thật sự chu đáo, vui vẻ .
ĐIỀU 27: Việc mừng, chúc thọ:
-Các gia đình có người được tuổi tăng thọ, là phúc lớn của gia đình, dòng tộc, từ xưa nay các chi, tộc, và gia đình, dòng họ Nguyễn Thái Bạt, hàng năm đều tổ chức mừng thọ cho người cao niên.
-Tuỳ theo điều kiện của mỗi chi, tộc, gia đình và phong tục tập quán của địa phương mà tổ chức mừng thọ cho những người cao tuổi từ 60, 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100,…thật sự chu đáo và trân trọng.
-Hội đồng chi tộc, con cháu trong gia đình có người cao tuổi quan tâm tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho người cao tuổi.
-Mỗi chi, tộc họ tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế có thể lập quỹ mừng thọ và đóng góp theo hàng năm.
-Việc tổ chức mừng thọ cần thật sự có ý nghĩa giáo dục ý thức tôn trọng người cao tuổi, giáo dục đạo lý “ Ăn quả nhớ người trồng cây”, qua đây đồng thời xác định bổn phận của người cao tuổi vui vẻ sống có ích, luôn gương mẫu để con cháu noi theo.
-Con cháu có trách nhiệm đến nhà thờ các chi tộc mang, lễ vật đơn giản hương đăng, hoa quả, tiền vàng, rượu nước, thành tâm là chính, kính cáo tổ tiên.
ĐIỀU 28: Việc thăm hỏi:
-Thăm hỏi là việc đạo nghĩa, là sự biểu thị tấm lòng chân tình giữa con người sống với nhau trong cộng đồng dòng họ mỗi khi có việc vui, việc buồn, đau ốm, hoặc khi gặp hoạn nạn, khó khăn bất trắc…
-Tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của mỗi chi, tộc họ có thể huy động lập quỹ thăm hỏi, quỹ đóng góp theo hàng năm và cần công khai quy định mức chi phí cho từng việc thăm hỏi.
-Thăm hỏi cốt ở lòng thành, cốt ở tình nghĩa anh em trong dòng tộc, không nhất thiết phải câu nệ thăm hỏi là phải có quà cáp. Người trong dòng họ khi nghe tiếng, biết tin thì kịp thời chạy đến hỏi thăm, giúp đỡ động viên, thấy khẩn nguy thì huy động mọi người cứu giúp, giải quyết. Đây là nghĩa cử nhằm gắn kết tình anh em keo sơn, máu mủ ruột rà trong cộng đồng dòng họ.
ĐIỀU 29; Việc tang lễ:
-Khi có tang lễ “ Nghĩa tử là nghĩa tận”. Việc tang lễ là việc nghĩa giúp đỡ sau cùng đối với người mất, là tình cảm tận hiếu với tang chủ.
-Khi trong chi tộc họ có người qua đời, “Sinh vô hạn tử bất kỳ” tang chủ rất bối rối, nhiều nội dung công việc triển khai cùng một lúc.
- Hội đồng chi tộc và mọi người trong họ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương và gia đình tang chủ tổ chức phúng viếng, tiến hành tang lễ, an táng người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng chu đáo.
-Tuỳ theo phong tục truyền thống và quy định của địa phương, nhưng yêu cầu việc tang lễ trong dòng họ cần tuân thủ theo nếp sống văn hoá và đảm bảo hợp vệ sinh. -Thực hiện không tổ chức mời người ăn uống linh đình trong các lễ ba ngày, lễ bốn mươi chín ngày, lễ một trăm ngày.
CHƯƠNG VII
GIÁO DỤC CON TRẺ, LẬP BAN, QUỸ KHUYẾN HỌC, QUỸ KHEN THƯỞNG HỌC, LAO ĐỘNG, CÔNG TÁC GIỎI:
ĐIỀU 30: Việc giáo dục con trẻ:
-Thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, các con trẻ nói riêng là tương lai của gia đình, dòng họ, của đất nước. Việc giáo dục con trẻ là trách nhiệm, nghĩa vụ là mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong gia đình và chi, tộc họ.
-Người xưa dạy rằng : Người không học thì không có lý trí, trẻ không học thì không nên người, Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi, mỗi thành viên trong họ Nguyễn Thái Bạt, xác định cố giắng học tập rèn luyện , tự giác phấn đấu học tập hết các bậc học phổ thông, để có tri thức cơ bản làm người, vì ngày mai lập nghiệp.
-Dòng họ luôn khuyến khích động viên mọi người phấn đấu học nữa học mãi, và tính sáng tạo trong lao động để mỗi ngày tri thức, nhân cách đạo đức được nâng cao hơn.
-Làm cha mẹ có trách nhiệm là nuôi dạy giáo dục con trẻ về phẩm hạnh đạo đức, lòng nhân nghĩa và tình thương yêu, biết phân biệt đúng sai, tránh xa thói hư tật xấu để giúp con trẻ, đấu tranh chống lại thói hư tật xấu.
-Đồng thời giáo dục con trẻ về ý thức kỷ luật, nếp sống trật tự kỷ cương, kết hợp với giáo dục, tính tự tin và sự hồn nhiên mạnh dạn trong cuộc sống. Luôn dũng cảm, tính quyết đoán đồng thời giáo dục, rèn luyện đức tính kiên nhẫn, biết lắng nghe và sự nhẫn nhịn cần thiết.
- Con trẻ từ một đến sáu tuổi:
Các cháu ở bậc học mầm non, cha mẹ cần quan tâm nuôi dạy để hướng “tính bản thiện” cho con trẻ sự phân biệt cơ bản các bộ phận cơ thể trẻ, biết chú ý theo dõi và lắng nghe lời người lớn.
- Con trẻ từ hơn sáu tuổi đến mười một tuổi:
Các cháu bậc học Tiểu học, cha mẹ cần nuôi dạy để giúp con trẻ có tính hồn nhiên, tập nói lời chuẩn xác, đức thật thà, có tình thương yêu và sự đam mê tìm hiểu quan sát mọi sự vật, tích cực học tập.
- Con trẻ từ mười một đến mười lăm tuổi:
Các cháu ở bậc học Trung học cơ sở, ngoài việc tích cực học tập ở trường, cha mẹ cần giáo dục con trẻ tính kỷ luật, biết phân biệt được thói hư tật xấu cần tránh và đức kiên nhẫn, tính khoa học trong nếp sống.
- Con trẻ từ mười năm đến mười chín tuổi:
Các cháu ở bậc học Trung học phổ thông, ngoài sự quan tâm việc tích cực học tập ở trường lớp, cha mẹ cần quan tâm giáo dục lòng tự tôn, tính tự tin, sự quyết đoán nhưng biết lắng nghe và đức nhẫn nhịn cần thiết.
- Con cái từ tuổi mười chín tuổi trở lên:
Các cháu ở bậc học Đại học, đào tạo con người toàn diện, cha mẹ vẫn cần để mắt đến tính nết, hành vi, mối quan hệ của con cái và hướng cho con cái tính tự lập, biết tự chủ động công việc, biết tự tạo dựng cuộc sống, không ỷ lại.
ĐIỀU 31: Ban khuyến học và lập quỹ khuyến học:
a. Ban khuyến học:
-Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Thái Bạt, Hội đồng gia tộc mỗi chi, tộc họ cần lập ban khuyến học để kịp thời nắm bắt việc học tập và giúp đỡ động viên các con cháu thi đua học tập tốt.
-Ban khuyến học hàng năm tổng hợp thành tích học tập, rèn luyện của các cháu để kịp thời động viên khen thưởng cho những cháu có thành tích học tập giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc tế, hoặc các cháu học sinh nghèo vượt khó, các cháu có thành tích hoạt động Văn hoá, thể dục, thể thao, nhạc hoạ v.v.v. đoạt các giải huy chương và vào các trường Đại học, tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ.
b. Lập quỹ khuyến học:
-Dòng họ và chi tộc họ cần phải lập quỹ khuyến học đây là việc làm cần thiết: Vì lợi ích trăm năm trồng người, để có nguồn tài chính kịp thời động viên, giúp đỡ, hỗ trợ và xây dựng phong trào thi đua học tập tốt của con cháu trong dòng họ.
-Mỗi người trong dòng họ biết lo lắng về tương lai cho con cháu đều có nghĩa vụ tự giác, tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ khuyến học.
-Hàng năm tuỳ theo hoàn cảnh điều kiện của mỗi chi, tộc họ Hội đồng chi, tộc họ khuyến gọi mọi người đóng góp, ủng hộ quỹ khuyến học. Quỹ khuyến học chỉ chi phí đúng mục đích cho công tác khuyến học và phải được công khai trước chi, tộc họ hàng năm.
ĐIỀU 32. Quỹ khen thưởng:
-Dòng họ và các chi, tộc họ rất cần thiết việc lập quỹ khen thưởng nhằm có nguồn tài chính kịp thời khen thưởng động viên những người có thành tích xuất sắc, lao động sáng tạo, tự thân vượt khó lập nghiệp, người phấn đấu công tác, rèn luyện tốt, người có công lao to lớn đối với dòng họ, và cộng đồng xã hội.
-Khen thưởng thành tích học tập, thành tích lao động, công tác và sự cống hiến cho xã hội là nhằm hướng tới xây dựng con người của dòng họ thật sự tốt và hoàn thiện toàn diện.
CHƯƠNG VIII
THU CHI QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, KHEN THƯỞNG, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, HIỆU LỰC THI HÀNH TỘC ƯỚC.
ĐIỀU 33: Nguồn thu tài chính:
-Nguồn thu từ đóng góp hàng năm của thành viên các chi, tộc họ; thu từ đóng góp hàng năm của những người trong chi tộc họ;
- Nguồn thu từ sự tự nguyện, hảo tâm ủng hộ của mọi người trong dòng họ, chi, tộc họ;
- Nguồn thu hợp pháp của những cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tự nguyện, hảo tâm giúp đỡ hộ trợ;
- Các nguồn thu hợp pháp khác phục vụ cho mục đích khuyến học, khen thưởng thành tích học tập, phấn đấu rèn luyện, lao động công tác xuất sắc.
- Các khoản đóng góp tự nguyện của các Doanh nhân
ĐIỀU 34: Quản lý thi, chi tài chính:
-Mọi việc thu, chi tài chính của dòng họ, chi, tộc họ đều được công khai minh bạch, chi tiêu đúng mục đích, theo kế hoạch cụ thể, có sổ sách theo dõi theo luật kế toán thông kê.
-Tuyệt đối không sử dụng nguồn tài chính khuyến học, khen thưởng vào các việc tổ chức ăn uống, chiêu đãi, quà cáp hoặc tiếp khách.
ĐIỀU 35: Giải quyết các vướng mắc:
-Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện tộc ước, việc thu, chi tài chính của dòng họ, của chi, tộc họ đều được kịp thời phản ảnh cho Chủ tịch
HĐGT, HĐCT, Trưởng họ, hoặc thường trực hội đồng dòng họ, chi, tộc họ nơi có vướng mắc biết để kiểm tra và cùng thống nhất hướng giải quyết.
HĐGT, HĐCT, Trưởng họ, hoặc thường trực hội đồng dòng họ, chi, tộc họ nơi có vướng mắc biết để kiểm tra và cùng thống nhất hướng giải quyết.
ĐIỀU 36: Việc sửa đổi bổ sung tộc ước:
-Việc sửa đổi, bổ sung Tộc ước dòng họ Nguyễn Thái Bạt cần được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng gia tộc về dự họp thông qua và nhất trí.
-Việc sửa đổi, bổ sung Tộc ước chi, tộc họ cần được ít nhất 2/3 thành viên hội đồng chi, tộc họ thông qua và nhất trí.
-Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung Tộc ước dòng họ không được trái với quy định pháp luật Nhà nước, không trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, không gây chia rẽ đoàn kết nội bộ dòng họ, tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
ĐIỀU 37: Áp dụng thực hiện:
- Họ Nguyễn Thái Bạt, các chi tộc họ Nguyễn Thái cần bám vào Tộc ước này, áp dụng sáng tạo các nội dung quy định của Tộc ước này. Mong sao các nội dung Tộc ước các chi tộc không sung đột với bản Tộc ước chung của dòng họ Nguyễn Thái này. Bản tộc ước này được phổ biến đến mọi người, trong dòng họ Nguyễn Thái Bạt cùng biết và thống nhất thực hiện.
ĐIỀU 38: Hiệu lực thi hành:
-Tộc ước dòng họ Nguyễn Thái Bạt; Tộc ước của các chi, tộc là những qui ước của dòng họ, là sản phẩm văn hoá mang tính nhân văn, là kim chỉ nam xuyên suốt chiều dài lịch sử của dòng họ, đồng thời là tư tưởng chỉ đạo những việc cần làm trước mắt, việc làm lâu dài nhiều năm mới có thể đạt được theo tộc ước dòng họ, cần kiên trì bền bỉ, phấn đấu tổ chức thực hiện.
-Tộc ước dòng họ Nguyễn Thái Bạt tuyệt đối không đề ra chế tài, trừng trị hoặc xử phạt. Các thành viên thực hiện Tộc ước hoàn toàn tự nguyện, không gò ép, tích cực động viên khuyến khích mọi người hãy sống và làm việc vì gia đình, dòng tộc, vì đất nước, mà cùng nhau thực hiện tộc ước, làm ngời sáng tổ tiên, rạng danh dòng họ.
Hà nội, ngày 01 tháng 07 năm 2011
NGƯỜI VIẾT TỘC ƯỚC
NGƯỜI VIẾT TỘC ƯỚC
NGUYỄN VĂN HÙNG – Thư ký HĐGT
HẬU DUỆ 17 - CHI TỘC TỨ KỲ - BÌNH GIANG-TỈNH HẢI DƯƠNG
Hải Dương Ngày 16 tháng 10 năm 2015
TM HỘI ĐỒNG GIA TỘC
CHỦ TỊCH
NGUYỄN HẢI YẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét