Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

TIỂU SỬ ĐỨC THỦY TỔ NGUYỄN THÁI BẠT


a

TRIỀU ĐẠI NHÀ LÊ – LÊ SƠ
TIỂU SỬ THÂN THẾ - SỰ NGHIỆP KHOA BẢNG NGUYÊN ĐÌNH (THỦ KHOA) - TIẾN SĨ - HOÀNG GIÁP  NGUYỄN THÁI BẠT KHOA THI NĂM CANH THÌN NĂM 1520
I- Tiểu sử - thân thế
- Nguyễn Thái Bạt, sinh vào thời triều vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Thống thứ 6, tại Xã Bình Lãng – Tổng Ngọc Trục – Huyện Cẩm Giàng – Phủ Thượng Hồng – Trấn Hải Dương, nay là thôn Bình Phiên xã Ngọc Liên huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ông được sinh trưởng trong gia đình nho sĩ lâu đời, dòng dõi thi thư trâm anh thế phiệt.
-Thân Phụ là Nguyễn Văn Hanh -Thân Mẫu là Lê Thị Đạt
Cha Ông làm nghề dạy học, rất giỏi tinh thông y thuật, lấy việc chuẩn cấp chữa bệnh cứu  người làm niềm vui, Ông luôn làm việc thiện.
Ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Tý (1504), thân mẫu đã sinh ra Ông một cậu con trai tư thiên khác lạ, dáng vẻ khôi ngôi tuấn tú, đặt tên là Thái Bạt ( THÁI có nghĩa là TO LỚN;  BẠT có nghĩa CAO CHÓT VÓT hơn người).
Từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, thể chất hơn người. Cuộc đời của Nguyễn Thái Bạt, gắn liền với triều đại nhà Lê đặc biệt là hậu Lê sơ, sinh ra phải thời loạn lạc, các thế lực phong kiến cuối Lê sơ, tranh dành nhau quyền lực, thao túng lộng quyền nhà vua, vua còn trẻ, ham mê rượu chè, tửu sắc, bỏ bê triều chính, không chăm lo cho đời sống nhân dân, các cuộc đấu tranh vì quyền lực nổ ra khắp mọi nơi, khiến dân chúng khổ cực lầm tham.
 Quê hương Bình Lãng nơi sinh ra Ông là đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt, từ đó hun đúc lên tinh thần, ý trí nghị lực của Nguyễn Thái Bạt.
 -Năm 1507 (3 tuổi)  Ông nghe đọc biết phát âm, yêu thích âm nhạc.
   -Năm 1511 ( 7 tuổi),  Ông theo học thày Nguyễn Văn Vận (Tiến sĩ Hoàng Giáp khoa thi Ât sửu 1505, Đô Ngự Sử triều vua Lê Uy Mục, người xã   Ngọc Trực – Tổng Ngọc Trục – Phủ Bình Giang – Đạo Hải Dương).
                                   II - SỰ NGHIÊP KHOA BẢNG
 - Năm 1516 (13 tuổi), Nguyễn Thái Bạt đã tinh thông kinh sử, tài năng trên đời, các sĩ tử đều tán phục và gọi Ông là Thần Đồng xuất thế, không phải là người thường.Vua mới lên ngôi ban truyền khắp thiên hạ: Người nào có tư chất thông minh, tài trí, ngay thẳng chính trực được dự thi Hương. Nguyễn Thái Bạt tham dự khoa thi Hương cống, đỗ Hương Cống thứ 3.
- Vinh qui bái tổ xong xuôi Ông xin phép Cha Mẹ, cho đi thăm thú, xem xét dân tình. Ông đến xã Lai Cách về sau đổi thành Phan Xá – Huyện Phù Cừ - Đạo Sơn Nam Thượng. Sau lại đổi thành Phủ Khoái Châu thuộc thành Thăng Long sau thuộc về Hưng Yên. Thấy môt khu đất có địa thế phong thủy đẹp. Thế mà người dân nơi đây còn chất phác, thô lậu, học lực kém cỏi, ít kiến văn. Ngay trong hôm đó, Ông truyền cho nhân dân dựng nhà học Ông dạy văn học cho dân. Vài năm sau người dân đã biết chữ, kiến thức văn học cũng nâng lên, trở thành một vùng đất có lễ nghĩa, Ông  đã 4 năm dạy học tại Phan Xá.
- Thời gian này Nguyễn Thái Bạt, vẫn tự miệt mài kinh sử, văn ôn võ luyện, đón chờ thi Hội, thi Đình.
- Năm 1520 (17 tuổi) đời vua Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thiệu thứ 5. Mùa hạ, tháng 4, khi ấy vua ra chiếu truyền cho các đạo, các châu, huyện các văn thần ở các địa phương lên kinh thành để dự thi Hội, thi Đình. Ông cùng gia thần từ Phan Xá – Tống Phan, trở lại kinh thành dự thi Hội cùng các sĩ nhân trong nước, thi Hội lấy đỗ chúng cách 13 người, 2 người phạm qui chế thi lên bị loại còn 11 người dự thi Đình. Đầu bài Văn Sách vua ra hỏi về : Chính sách trọng dụng nhân tài, Nguyễn Thái Bạt ứng đáp, vua cho Ông đỗ Thủ khoa - Tiến Sĩ xuất thân - Hoàng Giáp, 10 người còn lại đỗ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ xuất thân. Từ đây Nguyễn Thái Bạt tắm gội ơn vua, thấm nhuần huệ thánh, lễ tạ Đế Đình, được bổ dụng làm quan Hàn Lâm ở Viện Hiệu Lý.
III – PHÒ LÊ DIỆT MẠC
- Ngày 27 - 7 -1522, vua Lê Chiêu Tông chạy ra huyện Minh Nghĩa ở Sơn Tây. Khi ấy, Mạc Đăng Dung uy quyền ngày một lớn, Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua, tiếng là hầu, thực ra là để dò xét, coi giữ. Lại cho con trưởng là Đăng Doanh, trông coi điện Kim Quang. Đăng Dung đi bộ thì lọng phượng giát vàng, đi thuỷ thì thuyền rồng giây kéo, ra vào cung cấm, không kiêng sợ gì.
-Vua ngầm sai người đem mật chiếu vào Tây Kinh bảo Trịnh Tuy cứu viện. Vào canh hai đêm 27, đón vua ra ngoài, hoàng thái hậu và em vua là Xuân không được biết. Vua ra đến xã Mộng Sơn, huyện Minh Nghĩa, Sơn Tây. Ngày hôm sau, Đăng Dung biết chuyện, đem quân đi đón chặn những nơi  quan yếu.
        -Ngày 28- 7-1522, Đăng Dung kéo cờ ở Kinh thành, truyền lệnh cho
     các nhà ở phố phường không được kinh động. Lại sai Hoàng Duy Nhạc binh mã đuổi theo kịp vua ở Thạch Thất. Vua dùng quân huyện Thạch Thất chống lại, bắt được Duy Nhạc.
- Vua chạy ra ngoài, Đăng Dung bàn với các quan cận thần lập em vua là Xuân lên ngôi.
Ngày 30 - 7 -1522, đón Xuân sang Hồng Thị, huyện Gia Phúc ( nay là huyện Gia Lộc – Hải Dương), hành điện tại Diêm Cối, và gấp sai quân dân đắp tuyến lũy Cẩm Giàng để phòng giữ, chống quân trung thành với Nhà Lê
-Ngày 01- 08 - 1522, Đăng Dung cùng với bọn Lê Phụ đem các quan cùng tôn hoàng đệ Xuân lên ngôi hoàng đế.
- Ngày 10 - 8 - 1522, Thống Nguyên Đế ngự tại Cối Miếu xã Phúc Diên, huyện Gia Phúc, Hải Dương, đến Hồng Thị để hành điện, Đăng Dung cho chuyển vận vàng bạc, tiền của, ở các khotrong kinh thành đem cả về  đây.
       -Ngày 18 – 11 - 1522, giờ Thân, Trịnh Tuy và Trịnh Duy, bắt vua Lê Chiêu Tông về Châu Lang Chánh, Thanh Hóa. Nguyễn Thái Bạt, cùng thày dạy là Nguyễn Văn Vận hộ giá phò vua về Tây Kinh – Thanh hóa, từ đấy, cả nước đều thất vọng.
- Tháng 10- 1525 Đăng Dung tiến đánh Trịnh Tuy ở châu Lang Chánh thuộc Thanh Hóa  đánh chiếm được hết các quận huyện ở Tây Kinh. Sau đó, Trịnh Tuy chết. Đăng Dung bèn cướp lấy nhà vua Lê Chiêu Tông ở Lang Chánh, đem về để giam giữ ở tại phường Đông Hà
- Tháng 12 - 1526, Đăng Dung mật sai đồ đảng giết vua Lê Chiêu Tông ở phường Đông Hà ( nay là phố Hàng Chiếu – Hà nội), rồi đem táng tại lăng Vĩnh Hưng ở Thanh Đàm. Dân chúng thương tiếc vua, căm giận nghịch tặc Đăng Dung, đã có nhiều trung thần tử tiết vì vua.
 Nguyễn Thái Bạt từ quan trở về quê Bình Lãng – Cẩm Giàng – Hải Dương. Rồi lại đến Trang Phan Xá dạy học. Các trung thần triều Lê bỏ hết không chấp nhận Triều Mạc, chính sự không người lo liệu, Đăng Dung cho hạ thần dò hỏi tìm Nguyễn Thái Bạt, đang ở đâu, nhiều lần ép vời vào cung, trao chức Đô Ngự Sử, phục vụ triều Mạc, biết không thể chối từ ngày 15-3-1527, Nguyễn Thái Bạt, từ Phan Xá- Tống Phan trở lại kinh thành.
- Ngày 11- 6 -1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh thành, bắt ép vua Hoàng Xuân nhường ngôi. sai Đông các đại học sĩ Đạo Nguyện bá Nguyễn Văn Thái, cầm bút thảo tờ chiếu giả, cho tuyên đọc. Chiếu đọc dứt, bọn quan lại bè đảng với họ Mạc đều tung hô:
            Tân quân vạn tuế, vạn vạn tuế.
-  Bọn phe đảng họ Mạc mặc long bào, đội mũ miện cho Đăng Dung rồi
dìu y lên ngai vàng. Nguyễn Quốc Hiến quỳ dâng ngọc tỉ. Các quan lục đục vào lạy mừng.
-Mạc Đình Khoa nói:
- Các quan đều tề tựu đủ, chỉ có các vị Vũ Duệ, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xý, Đàm Thận Huy, Nguyễn Hữu Nghiêm, Nguyễn Văn Vận, Nguyễn Thái Bạt, Lê Tuấn Mậu, Ngô Hoán, Trần Bảo Hy, Đỗ Tế vắng mặt, xin bệ hạ cho trung sứ tuyên triệu tới trước bệ rồng. Mạc Đăng Dung chuẩn tấu, phát ra mấy đạo lệnh chỉ tuyên triệu những người vắng mặt. Lát sau, trung sứ về quỳ tâu:
- Muôn tâu, Vũ Duệ, Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xý, Đàm Thận Huy,
Nguyễn Hữu Nghiêm can vào cái án phản nghịch của Hà Phi Chuẩn, sợ tội, đã bỏ trốn rồi ạ.
-Mạc Đăng Dung gầm lên:
- Cho quân đi chóc nã chúng về đây để ta chừng trị. Mạc Đình Khoa vâng lệnh đi ngay. Trung sứ lại tâu:
- Tâu bệ hạ, Trần Bảo Hy cáo từ không chịu đến, còn Nguyễn Văn Vận, Nguyễn Thái Bạt, Lê Tuấn Mậu, Ngô Hoán, Đỗ Tế đã đến chầu. Đăng Dung dõng dạc: Cho từng viên một vào đây.
- Nguyễn Văn Vận từ ngoài tiến đến trước ngai vàng, khi tiến gần Đăng Dung, ông xuất kỳ bất ý cầm cái hốt đánh thẳng vào mặt y. Đăng Dung vốn giỏi võ, chỉ nghe tiếng gió đã hụt tránh, nên cái hốt đánh không trúng mặt y. Túc vệ phía sau điện vội xông ra bắt Nguyễn Văn Vận lôi tuột đi. Mạc Quốc Trinh tiến ra nói:
- Các quan vào lạy mừng, phải bổ hốt lại!
-Túc vệ khám xét từng viên quan mới tới, xem có mang theo hốt hay binh khí gì không, nếu có thì tịch thu giữ lại. Lê Tuấn Mậu tiến vào, khi tới gần Đăng Dung, ông ném hòn đá giấu sẵn trong tay áo vào mặt y. Viên đá sượt qua mặt Đăng Dung làm xây xát da mặt. Túc vệ vội chạy ra lôi Lê Tuấn Mậu đi.
-Đến lượt Nguyễn Thái Bạt, túc vệ khám xét trong người ông kỹ lưỡng thấy không có vật gì khả nghi mới dám cho vào. Với tư tưởng “Trung thần bất phụng nhị quân” (người trung thần không thờ 2 vua), Nguyễn Thái Bạt giả vờ thong manh ( Mắt kém), đi loạng choạng để được đến gần rồi thản nhiên chỉ vào mặt Mạc Đăng Dung mắng chửi: “Mày là đồ bất trung, nghịch tặc”.Ông còn dõng dạc tuyên bố: “Ta thà làm ma nhà Lê chứ không thèm làm quan nhà ngụy Mạc”.Ông khom lưng tiến tới trước Đăng Dung như để lạy mừng. Bất ngờ ông nhổ  thẳng vào mặt Đăng Dung,
rồi không để cho bọn túc vệ đến bắt, ông đập đầu xuống thềm điện tử tiết.
     -Sự việc sảy ra nhanh quá khiến cho các quan đều bàng hoàng  Đăng Dung   hốt hoảng vội ra lệnh bãi chầu. Buổi chầu tan, nhốn  nháo  như một cái chợ vỡ.
         - Mạc Đăng Dung cướp được ngôi, giáng phong vua Hoàng Xuân làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, bắt phải tự tử. Thái hậu khấn trời rằng: Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế". Đăng Dung sai đem xác hai người để phơi ngoài quán Bắc Sứ, rồi đưa về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên theo nghi lễ của thiên tử và hoàng hậu (Nay ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên có điện Thừa Hưu ). Như vậy để cướp được ngôi Đăng Dung đã giết hai đời vua và Thái hậu, cho nên sử sách đời sau gọi Đăng Dung là nghịch tặc Ngụy Mạc
* Sách Quật Đình Ưng Ân đề vịnh
Có thơ khen rằng:
Quý chăng Quan Hàn Lâm Thái Bạt.
Thấy triều  Lê họ Mạc tiếm ngôi,
Chẳng chịu mắt sáng giả mù,
Đăng Dung  gọi hỏi mấy hồi mới vô.
Xin lại gần thỉnh phô mấy chuyện,
Mặt Đăng Dung nước miếng nhổ qua.
Quyết tình hết với Vua ta,
Xã dân phụng sự, gần xa kính vì.
-Nguyễn Thái Bạt tử tiết, lúc bấy giờ Ông như ngôi sao tỏa sáng giữa bầu trời về tấm gương hy sinh anh dũng vì nhà Lê, dấy lên phong trào: Phù Lê diệt Mạc, các cuộc khởi nghĩa của trung thần nhà Lê nổ ra ở khắp nơi chống lại nhà Mạc.
IV – VINH DANH SỬ XANH
1- THÀNH HOÀNG THÔN PHAN XÁ- TỐNG PHAN – PHÙ CỪ -HƯNG YÊN
*Năm 1572 sau khi Nguyễn Thái Bạt mất 45 năm Vua Lê Anh Tông sắc chuẩn bản Thần tích : Thái Bạt linh ứng Đại Vương, do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn cho thôn Phan Xá xã Tống Phan huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên thờ phụng. Sau này nhiều đời Vua sắc phong tôn vinh công trạng của ông, bài vị thờ tại Đình làng Phan Xá còn dòng chữ:
                Lê Triều Bảng Nhãn, Hàn Lâm Thị Thư Nguyễn Công Húy
           Thái Bạt lịch phong Trung liệt Đại Vương Đương cảnh Phúc Thần.
      -   Gia tặng bài thơ như sau"                              
" Hổ bảng đề danh tảo trí thân.     
Hảo tương trung hiếu đáp quân thân.       
Sinh tam sự nhất chân vô quý.                     
Tu sát hoàng kim hoạch đới nhân"           
 Dịch thơ:
Bảng Hổ đề danh sớm nổi thân
Dốc lòng trung hiếu đạo con dân 
Th ba trong một lòng không thẹn 
Chán cảnh vàng son gương thế nhân. 

  CÂU ĐỐI CÒN GHI
Phù Lê cừu Mạc thanh danh hiển hách tráng sơn hà
Thỏa diện can trung nghĩa khí anh hùng lưu vạn cổ.
Tại Đình thôn Phan Xá xã Tống Phan Huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ 05 sắc phong chủ yếu là thời nhà Nguyễn : Vua Tự Đức 02 đạo; vua Đồng Khánh 01 đạo; Khải Định 02 đạo;
Đạo Sắc Phong  năm 1924 niên hiệu Khải Định thứ 9
Sắc ban cho xã Phan Xá, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên thờ phụng nguyên tặng: “Dực Bảo Trung Hưng Linh phù Lê triều Bảng Nhãn Thị Thư Nguyễn Thái Bạt  Đại vương tôn thần như trước. Thần đã giúp nước, che dân linh ứng rõ ràng. Đã từng được đội ơn ban cấp sắc phong đồng ý cho thờ tự
Đến nay đúng dịp mừng thọ 40 tuổi của trẫm, nên ban chiếu báu, mở rộng ơn điển. thăng thêm phẩm trật và gia tặng rõ là “ Quang Ý Trung Đẳng Thần” đặc chuẩn cho thờ phụng. Nay nhân kỉ niệm dịp quốc khánh mà mở rộng tự điển.
Kính trọng thay !
Ngày 25 tháng 7  năm Khải Định thứ 9  (1924)
Ngôi Đình đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh; tế lễ tổ chức 10- 03 Âm lịch hàng năm ( Lệ cũ là 15-03)
2- ĐỀN TIẾT NGHĨA PHÚC THẦN
 * Tháng 11- 1666, sau ngày Nguyễn Thái Bạt mất 139 năm nhà Lê Trung Hưng, Ngụy Mạc diệt vong tại Cao Bằng, Vua Lê Huyền Tông Sắc phong ban thưởng cho những người tử tiết, tuyên dương công trạng, 13 người bầy tôi tử tiết;
Sắc phong thượng đẳng thần: 8 người
 Vũ Duệ, Ngô Hoán, Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Thiệu Tri, Đàm Thận Huy, Lê Tuấn Mậu, Nguyễn Duy Tường và Nguyễn Tự Cường;
       *Sắc phong trung đẳng thần: 5 người
 Lê Vô Cương, Nguyễn Hữu Nghiêm, Lại Kim Bảng, Nguyễn Thái Bạt
 và Nghiêm Bá Kỳ.
     Những người được phong làm thần, đều cho dựng từ đường ở trong
 làng theo thời tiết tế tự như thể lệ tế bách thần. Con cháu của họ thì
lựa chọn bổ dụng những người có đức hạnh tốt; còn những người khác thì điều trừ lao dịch cho nhà họ.
Nguyễn Thái Bạt được vua cho xây dựng Đền Tiết Nghĩa Phúc Thần, tặng Thụy: Cương Trực ; tỏ rõ phẩm chất cứng rắn ngay thẳng của ông.
 Sách Thiên Nam bảo lục diễn ca, đề cao khí tiết và ca ngợi trung thần tiết nghĩa:
“ Vũ Duệ bức, mà Ngô Hoán giận,
Duy Thường than, mà Tuất Mậu bi.
Tiết Kim Bảng, nghĩa Thận Huy,
Trung Can Thái Bạt, hùng uy Tự Cường.
Người phỉ mặt, người mang đá ném.
Người gieo sông, người nếm thuốc phê,
Áo bào mũ miện chỉnh tề,
Cùng đều tư tưởng lạy về non Lam”
Đền Tiết Nghĩa Phúc Thần, thờ Nguyễn Thái Bạt Trung Đẳng Thần, được xây tại Thôn Bình Phiên - Ngọc Liên - Cẩm Giàng - Hải Dương, tế lễ vào 14 tháng giêng hàng năm. Các đời vua sau này đều có sắc phong cho Ông tại ngôi đền này. Hiện nay đã tìm thấy 03 đạo sắc phong; trong đó Vua Cảnh Hưng : 02 đạo; Lê Chiêu Thống : 01 đạo; nội dung như sau:
Sắc ban cho vị Đại Vương thi đỗ khoa Canh Thìn bậc Đệ nhị giáp Tiến Sĩ Xuất thân, giữ chức Hiệu lý ở Hàn lâm viện là Nguyễn Quí Công, thụy Cương Trực. Văn đức hạnh, Tiết khí khái, Chính nghĩa minh đạo; Giữ yên đất nước, bảo vệ nhân dân, Hùng tài, Vĩ lược; An dân, Trí tuệ, Anh mẫn, Đặc đạt, Chính trực, Minh đạo, Lý tố, Hàm trung, Tế thế, Hồng ân, Đại lược, Hồng mô, Đôn tín, Anh nghị Đại Vương.
Đại Vương văn võ toàn tài, kinh luân đại dụng; công lao một đời, thế gia vọng tộc. Như đất trời ức niên trường cửu, âm thầm phù trợ quốc gia, để lại phúc lành mãi mãi. Ngày nay bao phong khen thưởng, ghi vào điển chương. Vì có công lao âm phù Hoàng gia, phục hồi chính sự; theo lễ đáng được nâng bậc. Nên gia phong là :
 Tứ Canh Thìn khoa Đệ nhị giáp Tiến Sĩ Xuất thân Hàn lâm viện Hiệu lý Nguyễn Quí Công, thụy Cương Trực. Văn đức hạnh, Tiết khí khái, Chính nghĩa, Minh đạo, Khang quốc, Bảo dân, Hùng tài, Vĩ lược, An dân, Trí tuệ, Anh mẫn, Đặc đạt, Chính trực, Minh đạo, Lý tố Hàm trung, Tế thế, Hồng ân, Đại lược, Hồng mô, Đôn tín, Anh nghị, Hậu đức, Mậu công Đại Vương.
Nay ban sắc.
Ngày 22 tháng 3 niên hiệu Chiêu Thống Nguyên niên(1787).
Sau khi Nguyễn Thái Bạt mất có nhiều Sử sách viết ca ngợi ông,
* Sách Ngự Chế Tổng Vịnh của Vua Tự Đức bản khăc gỗ
Có thơ ca ngợi rằng:
Thử nhật sơn hà bất nhẫn khan,
Dã cam mông cổ độc tân quan.
Nhất triều thóa diện kham ô nhĩ,
Phi thị sổ gia khả tự can.
Dịch nghĩa:
Sơn hà như vậy, không thể nhẫn tâm đứng nhìn,
Cam chịu mù lòa, một mình để tâm xem xét.
Vào chầu nhổ mặt, không chịu ô nhục cùng nhà ngươi (1),
Khen chê thế nào, để người sau tự đánh giá.
Chú thích:  1). Nhà ngươi: Chỉ Mạc Đăng Dung.
V – LĂNG MỘ - CỐT KHÍ.
Hài cốt của ông Nguyễn Thái Bạt - Thụy Cương Trực, cùng phu nhân Chu Thị … Hiệu Ngọc Chiêu, được hậu duệ của Ông, Chi tộc Tứ Kỳ - Bình Giang, chăm lom, thờ cúng mấy trăm năm nay. Hài cốt được vận chuyển bằng đường thủy do các Pháp Sư, Sư Vãi chuyển về. Trước kia hai ngôi mộ này chôn tại Đống Cổ Ngựa sát Đống Mả Chúa, sau do đồn điền đổi thửa năm 1964 chuyển về Đống Mả Đầu – Thôn Tứ Kỳ Thượng – Xã Ngọc Kỳ - Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương, năm 1982 đã định xây nhưng không hiểu sao đã góp tiền rồi, không xây được, trả lại tiền, đến năm 2009, tiến hành xây dựng Lăng Mộ. Được thiết kế theo lối hiện đại kết hợp với  cổ truyền, tương xứng tầm vóc của Quan Triều, hậu duệ và du khách thập phương hàng năm dâng hương kính viếng, tưởng nhớ công lao to lớn vì nước vì dân của Ông.
VI – GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG.
Thế hệ hôm nay và mai sau mỗi khi nhắc đến Nguyễn Thái Bạt, là nhớ đến truyền thống yêu nước, thương dân của Ông, chúng ta nhớ đến sự kiên trung, cứng rắn, ngay thẳng của ông. Là danh nhân của tỉnh Hải Dương, Ông đã đóng góp làm rạng rỡ truyền thống anh dũng của dân tộc nói chung, truyền thống quê hương Hải Dương nói riêng. Ông là niềm tự hào của nhân dân Bình Phiên, mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học khoa bảng, đã sinh ra Quan Tiết - Nguyễn Thái Bạt.
                Đồng thời Nguyễn Thái Bạt, cũng là niềm tự hào của con dân thôn  Phan Xá – Xã Tống Phan – Huyện Phù Cừ - Tỉnh Hưng Yên, dù đi đâu, ở phương trời nào họ đều đời đời, ghi nhớ công ơn trời biển của Thành Hoàng Nguyễn Thái Bạt, đã truyền cho họ, tri thức, ý trí, lòng can đảm, sự hy sinh để vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành công việc của mình, làng tuy nhỏ, nhưng từ ngày được Thành Hoàng Nguyễn Thái Bạt khai sáng, đã có trên năm mươi Tiến Sĩ – Thạc Sĩ, thật đáng tự hào cho truyền thống hiếu học của dân làng.
Sự Can trung và nghĩa khí của Nguyễn Thái Bạt đã tỏ rõ khí tiết bất khuất, trung thành với lý tưởng vì nước, vì dân, cũng là tỏ rõ tinh thần của dân ta, đời đời không chịu khuất phục, không chịu mất tính dân tộc. Vậy đó là một giai thoại nên ghi nhớ, đáng được tôn vinh, nhắc lại cho thế hệ mai sau noi gương học tập.
                                        Ngày   02   tháng   09   năm 2011
HỘI ĐỒNG GIA TỘC HỌ NGUYỄN THÁI BẠT
ỦY QUYỀN - CẨN SOẠN
NGƯỜI SOẠN:  NGUYỄN VĂN HÙNG – HẬU DUỆ ĐỜI THỨ 17
Tài liệu nghiên cứu tham khảo                                                                                  
 1- Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, tập 2, khoa mục chí, trang 202.
 2- Đại Việt Sử ký toàn thư tập 15
 3-Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục tập 27, tập 33
 4- Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19, trấn Hải Dương, trang 26.
 8-Tại Viện thông tin khoa học xã hội - ký hiệu TT-TS FQ40/XII,37 - TTTS 12473 - Tài liệu  Thần Tích - Thần Sắc làng Phan Xá - Tổng Viên Quang - Huyện Phù Cừ - Tỉnh Hưng Yên
 9- Khí tiết của một số nhà nho thời Lê - Mạc
10-Ngự chế Tổng vịnh của Vua Tự Đức, quyển 5 ký hiệu VHv 1559/2 Bản khắc gỗ.
11- Toàn Lê Tiết Nghĩa – Mục công thần tiết nghĩa
12- Lê Triều khiếu vịnh thi tập – Hà Nhiệm Đại
14-Văn Thần Nguyễn Thái Bạt trên trang Vietgle – Tri Thức Việt
15- Nguyễn Thái Bạt trên trang Wikipedia tiếng Việt ( Bách khoa toàn thư)
16-Tiểu thuyết : “Mạc Đăng Dung” của nhà văn  Lưu Văn Khuê
17- Tiểu thuyết “Đất Thang Mộc” của nhà văn Hoài Anh
18-Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, Hương Cống Việt Nam
 19 - Mạc Đăng Dung ngàn năm công tội
  20- Mạc Thái Tổ bị nhổ vào mặt.